abc

BÁC HỒ VỚI KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Sinh thời, Bác nói và viết về khoa học công nghệ không nhiều nhưng Người rất quan tâm đến sự phát triển của KH&CN. Trong những bài viết và nói với đội ngũ trí thức khoa học công nghệ, Người thường dùng những từ ngữ giản dị, gần gũi, mà ẩn chứa nhiều luận điểm cơ bản, quan trọng thể hiện được vai trò, vị trí của khoa học công nghệ. Người cho rằng KH&CN ảnh hưởng rất lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam (18/5/1963), Bác Hồ đã phân tích: “Chúng ta đều biết rằngtrình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều, …” Vì vậy, nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải tiến những cái đó. Bác đã giao nhiệm vụ cho các nhà khoa học, cán bộ quản lý KH&CN Việt Nam là phải quan tâm phát triển KH&CN vì nó ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Trong bài phát biểu, Người nói: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Câu nói tuy giản dị nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa, thể hiện đầy đủ những nguyên lý, phương châm và sứ mệnh cao cả của KH&CN. Với ý nghĩa sâu xa qua lời nói của Bác và ý nghĩa quan trọng của sự kiện này, nên nước ta đã lấy ngày 18-5-1963, ngày Đại hội lần thứ nhất của Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam làm ngày truyền thống Khoa học Công nghệ Việt Nam. Đi đâu, Người luôn nhắc nhở: “Nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kì quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác đã nói rõ quan điểm về sáng kiến: “Sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ hay chung chung, trừu tượng. Nó chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, những điều kiện bình thường, rất phổ thông, rất thiết thực. Hiểu rộng ra là sản phẩm khoa học công nghệ nói chung cũng như vậy. Ở tầm sáng tạo lớn, có ảnh hưởng rộng là phát minh, bao hàm cả sáng chế. Ở tầm thấp hơn, nhỏ hơn thì là sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Tất cả đều là sản phẩm được sáng tạo ra khi cuộc sống thúc bách”. Bác căn dặn những người làm khoa học: “Các đồng chí phải đi xuống tận các xí nghiệp, các hợp tác xã, hỏi han công nhân, nông dân yêu cầu gì, họ làm ăn và sinh sống nhưng thế nào và phổ biến những điều cần thiết giúp đỡ họ cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Các đồng chí phải là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hoá và khoa học, kỹ thuật; phải góp tài góp sức để cải tiến bộ mặt xã hội của nước ta, làm cho nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi. Đó là nhiệm vụ rất nặng nề mà cũng rất vẻ vang”.
Ngoài việc coi trọng hoạt động khoa học, Bác luôn quý trọng trí thức khoa học, Bác nói “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”. Năm 1958, Bác đã ký sắc lệnh phong tặng danh hiệu anh hùng cho các trí thức tiêu biểu. Đồng thời Bác cũng đánh giá rất cao tri thức dân gian, sáng kiến của quảng đại quần chúng. Tại Đại hội chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 01/5/1952, Bác đã nhấn mạnh: “Trí khôn, sáng kiến, học hỏi, tiến bộ và tinh thần hy sinh của người ta không có giới hạn, nó cứ tiến mãi”, “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung của dân tộc. Không biết quý trọng và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc”. Vì vậy mà Bác sớm có chủ trương kết hợp nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp với phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của quần chúng. Tại hội nghị cán bộ cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 BCH Trung ương Đảng (khoá III), ngày 16/01/1966, Bác nhắc nhở: “Cán bộ chính trị phải biết kỹ thuật, chỉ chính trị suông không lãnh đạo được”.
Đất nước ta đang trên đà hội nhập và phát triển mạnh mẽ, Đảng ta đã xác định khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu. Trong sự nghiệp CNH, HĐH hôm nay, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khoa học, công nghệ vẫn mãi là kim chỉ nam, là ngọn đuốc soi đường để chúng ta tiếp tục phát huy, tiềm năng, trí tuệ, tạo nội lực, thu hút ngoại lực, để không ngừng đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, theo kịp các nước tiên tiến trên thế giới, hầu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong ước.

Nguồn: //lhhkh.baclieu.gov.vn

Call Now