abc

Nhà thơ Hải Như – MỘT THẾ KỶ SUY TƯ

Với những ai đã và đang một thời học tập, làm việc dưới mái trường mang tên thời thanh niên của Bác hẳn sẽ nhớ về một bài hát ghi đậm dấu ấn về mái Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Lời của Bài ca ĐH Nguyễn Tất Thành được sáng tác bởi cố Nhà thơ Hải Như cùng sự cộng hưởng của những ca từ và âm nhạc của nhạc sĩ Trương Quang Lục đã tạo nên một ca khúc hào hùng về một ngôi trường mang tên Bác – nơi mà “… mỗi người chúng ta, nguyện là một Nguyễn Tất Thành, học tập mê say cùng tiếp bước cha anh”.
Nhà thơ Hải Như (27/11/1923 – 27/11/2023) – người thi sĩ tham gia sáng lập nên truờng Đại học Nguyễn Tất Thành, nguời đặt tên “thành phố hoa phượng đỏ” cho Hải Phòng và dành cả cuộc đời mình để gieo những vần thơ về Bác. Ông sinh ra trong một gia đình thuộc dòng dõi nho học. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, lúc còn là học sinh trường thành chung sư phạm Đỗ Hữu Vỵ tại Hà Nội, ông đã làm thư ký cho Hội truyền bá Quốc ngữ. Sau khi tham gia cướp chính quyền tại Nam Định, ông phụ trách công tác thanh niên Việt Minh huyện Mỹ Lộc. Ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông được giao phụ trách đội kịch lưu động huyện Nam Trực. Năm 1946, ông chính thức gia nhập quân đội và đảm đương vai trò thư ký tòa soạn báo Sông Lô của phòng chính trị liên khu 10 Việt Bắc. Năm 1949, ông được cử đi học lớp đào tạo báo chí cách mạng đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng, rồi về báo Vệ Quốc Quân (tiền thân của báo Quân Đội Nhân Dân bây giờ). Năm 1954, tiếp quản Thủ đô, ông chuyển sang làm báo Cứu Quốc. Đất nước thống nhất, ông chuyển vào cư ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh và làm Phó Tổng Biên tập báo Giác Ngộ cho đến ngày nghỉ hưu.
Sinh ra tại mảnh đất truyền thống đất học – đất văn Nam Định, dành nửa đời làm việc tai TP. Hồ Chí Minh, nhà thơ luôn đau đáu ước nguyện xây dựng một ngôi trường đào tạo nên thế hệ trẻ tiếp bước cha anh, noi gương Bác Hồ kính yêu, nơi mà mỗi người trẻ Việt Nam có thể “trau dồi kiến thức”, chung lòng cùng nhau vươn tới, mở tung cánh cửa của mọi chân trời. Và gần 100 năm sau ngày Bác ra đi tim đường cứu nước, bên Bến Nhà Rồng năm xưa in dấu chân Nguời, đã sừng sững một ngôi trường đại học mang tên Bác thời niên thiếu: Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Với những cống hiến cho nền thi ca nước nhà nói chung và sự phát triển của Đại học Nguyễn Tất Thành nói riêng, dù đã vĩnh viễn ra đi thì nhà thơ Hải Như vẫn sẽ sống mãi trong lòng thế hệ mai sau.

Link video tư liệu Nhà thơ Hải Như: https://drive.google.com/file/d/1O–GgQYACzoNW58JFWjOKZILREw2jahR/view?usp=sharing

Call Now