abc

GIỚI CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM LÀM THEO LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ

Muốn phát triển kinh tế phải chú trọng đến ngành Công Thương

Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp mang tính kinh tế, trước hết là phát triển kinh tế để không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Muốn phát triển kinh tế phải chú trọng đến ngành Công Thương.

Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ Công Thương là một lĩnh vực kinh tế đa ngành, chủ yếu bao gồm công nghiệp và thương nghiệp. Sự quan tâm của Người đối với ngành Công Thương xuất phát từ vị trí, vai trò của ngành trong tiến trình xây dựng Việt Nam trở nên dân giàu, nước mạnh.

Vinh dự là ngành kinh tế có vai trò quyết định với sự phát triển đất nước, dân giàu nước mạnh và được Bác quan tâm ngay từ ngày lập nước, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cán bộ, công nhân viên chức và người lao động ngành Công Thương qua các thời kỳ luôn tìm thấy ở những lời chỉ bảo của Bác những đường hướng tư tưởng rõ nét, cụ thể cùng những cội nguồn sức mạnh, cội nguồn hành động.

Học Bác, làm theo Bác cũng vì thế đã trở thành nhu cầu nội tại của ngành Công Thương, người Công Thương qua các thời kỳ. Tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động thể hiện ở kết quả công tác của ngành, góp phần cùng cả nước hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội, xây dựng nề nếp, tác phong làm việc mới, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới mối quan hệ công tác.

Kinh nghiệm cho thấy, những đơn vị thực hiện tốt việc học và làm theo Bác là những nơi lãnh đạo cấp ủy, lãnh đạo đơn vị quyết tâm cao, phối kết hợp tốt với các cơ quan chuyên môn, các đoàn thể để tạo sức lan tỏa trong đảng viên và quần chúng, biết lồng ghép vào các sinh hoạt thiết thực, sinh động; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu… tạo không khí sinh hoạt tư tưởng lành mạnh, hiệu quả.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, căn cứ Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương khóa III nhiệm kỳ 2020 – 2025, Bộ Công Thương đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên Đảng bộ Bộ Công Thương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với rà soát, bổ sung các quy chế, quy định nội bộ; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp và kết quả triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm của Kết luận số 01-KL/TW. Theo đó, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên Đảng bộ Bộ Công Thương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bao gồm: “Trung thành – Trung thực – Đoàn kết – Tận tụy – Sáng tạo – Nêu gương”.

Cùng đó, Đảng ủy Bộ tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị theo các chuyên đề hàng năm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt hiệu quả thực chất, có tính lan tỏa cao.

Những lời và tình cảm của Bác vẫn luôn là cẩm nang, nguồn động viên tinh thần quý báu để ngành Công Thương, người Công Thương vươn lên hoàn thành nhiệm vụ nặng nề mà cao cả của mình đối với sự nghiệp phát triển đất nước, để xứng với mong mỏi sinh thời của Bác về một Việt Nam dân giàu, nước mạnh và sánh bước vẻ vang cùng thời đại.

Nguồn: Báo Công thương (02/09/2023)

Call Now