Bên cạnh đó là những ý kiến cố tình đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin, tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin; hoặc đề cao, tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh với luận điệu “Việt Nam chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh, không cần chủ nghĩa Mác-Lênin”;…
Trước hết, cần thấy rõ một thực tế đó là tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành, phát triển trên cơ sở kế thừa, chọn lọc những tư tưởng, giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, phù hợp với thực tiễn hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam. Cùng với đó là sự tiếp thu, tiếp biến và vận dụng sáng tạo tinh hoa văn hóa nhân loại: văn hóa phương Đông và phương Tây mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác-Lênin; trong đó, nét đặc sắc chính là sự kết hợp các giá trị truyền thống của văn hóa phương Đông với thành tựu hiện đại của văn minh phương Tây và tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin trên nền tảng những tinh hoa văn hóa được tích lũy, chắt lọc qua thực tiễn.
Trong tình hình mới, cần nhất quán khẳng định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh. (Ảnh: TL). |
Đúng như Đại hội IX của Đảng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta” (1).
Chính vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng lý luận và định hướng để Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng đường lối cách mạng đúng đắn, tổ chức lực lượng và lãnh đạo dân tộc giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sáng lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; cũng như giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và những thành tựu quan trọng về mọi mặt trong gần 40 năm đổi mới và hội nhập quốc tế.
Mặt khác, cần khẳng định, bản chất của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học và cách mạng, cho nên, không thể tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin; đồng thời, cũng không thể đề cao, tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh mà phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, nhất là càng không thể lấy tư tưởng Hồ Chí Minh để thay thế cho chủ nghĩa Mác-Lênin và ngược lại.
Khằng định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” (2). Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ” (3).
Trong giai đoạn hiện nay, trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, nhất quán khẳng định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh chính là thể hiện thái độ chủ động phòng, chống sự xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta: Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nhất quán khẳng định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch hiện nay. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần thường xuyên quán triệt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn, cơ quan, đơn vị. Căn cứ vào những yêu cầu thực tiễn đặt ra, cấp ủy, tổ chức đảng ban hành các nghị quyết, chủ trương, biện pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương, biện pháp thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Xây dựng, tổ chức lực lượng và vận động, tổ chức để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ hai, kiên quyết, chủ động vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận giá trị chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới” gắn với Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Đẩy mạnh phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch về tư tưởng Hồ Chí Minh; uốn nắn những nhận thức lệch lạc, mơ hồ, dao động về tư tưởng, suy giảm niềm tin về chủ nghĩa xã hội và vai trò lãnh đạo của Đảng; đồng thời, chủ động đấu tranh để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp.
Thứ ba, chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng, phương tiện trong tuyên truyền, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng, phương tiện trong nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình; tham mưu kịp thời với cấp ủy đảng, chính quyền các nội dung biện pháp đấu tranh ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; cung cấp thông tin, kịp thời định hướng tư tưởng, nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Sử dụng và phát huy hiệu quả các cơ quan báo chí, truyền thông, các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Thường xuyên đổi mới nội dung, biện pháp tuyên truyền, làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức sâu sắc bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nêu cao ý thức cảnh giác, chủ động phát hiện và đấu tranh kịp thời với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, giáo dục và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn hiện nay. Đẩy mạnh việc tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân về giá trị, tầm vóc, sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân phải mang tính toàn diện, đồng bộ, tập trung trước hết là giáo dục cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, sức mạnh, khả năng tự bảo vệ của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nằm ở chính kết quả hoạt động của triệu triệu quần chúng, cán bộ, đảng viên cộng sản, khi họ nhận thức sâu sắc sự đúng đắn bản chất cách mạng, khoa học, tin tưởng và làm theo tư tưởng của Người. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn cách mạng hiện nay. Việc vận dụng có hiệu quả chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay chính là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở thực tiễn có sức thuyết phục nhất để đập tan các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh./.
Tài liệu tham khảo:
(1). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr.83-84.
(2). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H, 2011, tr.88
(3). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H, 2021, tr.324